Thứ Hai, 1 tháng 3, 2010

Toyota: sự cố xe hay khủng hoảng triết lý quản lý

Sau phiên điều trần của chủ tịch tập đoàn Toyota, kết quả điều tra nguyên nhân sự cố khiến một số mẫu xe của Toyota tăng tốc đột ngột, hy vọng, sẽ chỉ ra lỗi kỹ thuật thật sự không phải là một vết cắt/dập không phù hợp ở tấm lót sàn khiến chân ga bị kẹt. Cho đến giờ này, ít người tin rằng một tập đoàn tầm cỡ như vậy, với triết lý cải tiến không ngừng và quản lý chuỗi cung ứng Just in Time lại không thể phát hiện và khắc phục lỗi có liên quan đến phần cơ khá đơn giản.
Ý kiến của Kenichi Ohmae trên LAT cho rằng, lỗi do triết lý và cơ cấu của Toyota. Theo Ohmae, việc cải tiến liên tục, chủ yếu trong dây chuyền lắp ráp, khiến người ta biết cây hơn là trông thấy rừng, nên lỗi hệ thống khó phát hiện do trên chiếc xe hiện giờ, hệ thống điều khiển điện tử có không dưới 70 chip điều khiển. Ngoài ra, phê phán của Ohmae gợi nhớ lại hình tượng vua hề Charles miêu tả động tác thuần thục của người thợ trong dây chuyền hồi mới công nghiệp hóa, nên không biết gì khác ngoài vài thao tác làm hàng ngày. Ngoài ra, một ý khác đáng suy nghĩ là việc thiết kế xe hơi được chia nhỏ ra, không còn chuyện một kiến trúc sư trưởng hay tổng công trình sư đảm đương tất cả, khiến cho việc đánh giá, kiểm tra an toàn trở nên khó hơn. Nói gọn, từng cụm có thể an toàn, nhưng khi phối hợp hoạt động, có thể một sai lệch tín hiệu đầu ra ở bộ phận này, sau quá trình, được khuếch đại, tạo thành một phản hồi mềm dương hoặc âm lớn, khiến cho hệ thống bị trục trặc, kiểu như treo máy tính. Theo quan điểm của Ohmae, không chỉ có tìm và xử lý nguyên nhân sự cố là đủ, mà cần phải thay đổi triết lý quản lý con người và quản trị dây chuyền lắp ráp, mới là chuyện quan trọng.
Với giới quản trị, sau khi đọc ý kiến của Ohmae, thật khó phản bác bởi bị rào cản kiến thức và kinh nghiệm quản trị vận hành sản xuất của ngành xe hơi. Dẫu sao, cách tiếp cận của Ohmae mang tính hệ thống, đáng phải suy nghĩ thêm. Tuy nhiên, với giới kỹ nghệ, việc cải tiến từng bộ phận nhỏ, đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu, nhưng không hẳn vì vậy mà giới kỹ thuật không có kiến thức tổng quát. Ngoài ra, không thiếu các phương pháp đánh giá/kiểm định tổng thể được xây dựng với các công trình phức tạp, thí dụ như thiết kế và lắp ráp máy bay, tàu ngầm, cho nên nói lỗi hệ thống do triết lý liên tục cải tiến và JIT có vẻ không thuyết phục lắm.

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2010

Darwin và Kinh tế học

America Economic Association nhóm họp năm nay tại Atalanta, theo bài báo trên Newsweek, xem lại các lý thuyết kinh tế, đại loại phải trả lời câu hỏi làm sao để tăng trưởng, phân phối, việc làm. Trong đó, có đề cập đến một giả thuyết có từ 2004 tạm gọi là thị trường thích ứng. Về cơ bản, giả thuyết này sẽ nghiên cứu kinh tế dưới lăng kính của thuyết tiến hóa. Các thị trường sẽ được xem như các hệ sinh thái, với nhiều chủng loại (quỹ phòng vệ, ngân hàng đầu tư...) cạnh tranh sinh tồn để sở hữu nguồn tài nguyên (lợi nhuận). Qua đột biến, những gì tồn tại sẽ tiến hóa, thích ứng.
Bài báo cũng nhắc tới kinh tế học thần kinh (neuroeconomisc), với nhiều điểm tương đồng kinh tế học hành vi. Khá thú vị là trong nhóm làm việc giúp tổng thống Mỹ lập quy, có Cass Sustein, một nhà kinh tế học hành vi. Có thể thấy một vài dấu ấn ứng dụng kinh tế học hành vi trong chính sách kích cầu năm trước.

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2010

Từ khóa

Sau mỗi năm, tổng kết lại sẽ thấy có một số từ thường xuyên được nhắc trên các phương tiện thông tin đại chúng, kiểu như từ chủ đạo của năm. Về mặt ký hiệu học, nếu thống kê được tần suất sử dụng và độ phủ của các từ chủ đạo (tạm gọi là key word), có thể cảm nhận sơ bộ về tâm thế hay mối quan tâm chính của xã hội. Có thể sơ kết các năm qua, để thấy:
2007: hội nhập, ra biển lớn. Đây là năm VN gia nhập WTO (cuối năm 2006). Kết quả là sự bùng nổ của đầu tư trái ngành, chủ yếu là chứng khoán - bất động sản. Tạm kết luận: từ khóa cuối cùng cho năm 2007 là đa ngành.
2008: lạm phát. Trong bảy năm gần đây, năm này chỉ số giá tiêu dùng có lúc lên trên 25%.
2009: khủng hoảng, kích cầu.
Dự đoán: 2010 sẽ là năm của tập đoàn. Liên tiếp các tập đoàn được thành lập. Có vẻ như vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước đặt trọn lên vai của các tập đoàn. Chưa rõ trong ngành viễn thông, vai trò chủ đạo sẽ giao cho VNPT hay tập đoàn Viettel?

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2010

Chất xám

Câu hỏi vì sao chất xám chảy từ khu vực nhà nước sang dân doanh không phải mới và có khá nhiều cách lý giải, từ chuyện lương, chế độ đãi ngộ cho tới môi trường cho người tài có thể phát huy khả năng. Từ việc nguyên tổng giám đốc Jetstar Pacific, ông Lương Hoài Nam, bị bắt giữ vì tội cố ý làm trái, đặt ra một cách tiếp cận khác.
Theo quy định, các vị tổng giám đốc DNNN nếu 2 năm hoạt động bị lỗ, sẽ bị cách chức. Vì sao có thời hạn này không phải là vấn đề lớn, nhưng quy định như vậy khiến cho một số DN do tính đặc thù, chẳng hạn khoa học công nghệ, DN phát triển từ vườn ươm khó tuyển mộ được CEO có thực tài, đủ khả năng lãnh đạo để hai năm sau là có lãi. Trên thực tế, không rõ có vị giám đốc nào bị mất chức vì kết quả hoạt động 2 năm thua lỗ hay chưa, nhưng đó không phải là chủ đề chính của bài viết này.
Trở lại câu chuyện Lương Hoài Nam. Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, không nên hình sự hóa vụ việc này khi chưa có đủ các yếu tố kết luận. Theo ông Doanh, giới doanh nhân nước ngoài quan tâm nhiều đến vụ việc này. Tuy nhiên, vấn đề này cũng không nằm trong nội dung chính của entry này.
Ở giác độ tinh thần doanh nhân, tôi cho rằng, việc xử lý ông Nam khiến cho khối doanh nghiệp nhà nước càng kém tính cạnh tranh trong việc thu hút nhân tài. Bỏ qua chuyện lương thưởng, có thể vẫn có người chấp nhận hy sinh thu nhập (chính đáng) để làm việc ở các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, trong môi trường hoạt động với chằng chịt mối quan hệ, cơ cấu tổ chức còn chồng chéo, thì khó lòng vị CEO nào ở DN nhà nước có thể thi thố đầy đủ tài nghệ. Trong khi đó, nguy cơ bị bắt giữ vì tội danh cố ý làm trái, gây thiệt hại nghiêm trọng, khiến họ luôn bị lưỡi gươm chờ chém treo lơ lửng. Phân tích như vậy để thấy, nếu có cơ hội, người ta thường thiên về khối dân doanh. Đãi ngộ xứng đáng, cơ chế quản lý ít bất cập hơn. Phân quyền rõ ràng. Trách nhiệm thế nào hành xử thế đó. Nếu thất bại, thì cùng lắm là bị sa thải.
Nếu bạn là Lương Hoài Nam, khi có thể lựa chọn làm CEO của Jetstar Pacific mà nhà nước nắm giữ 51% cổ phần và một Jetstar không có cổ phần của nhà nước, dù lương tương đương, tôi nghĩ nhiều khả năng bạn sẽ chọn làm CEO của doanh nghiệp sau.

Tư duy phê phán

Câu chuyện được NYT đăng tải cho thấy, các chương trình MBA ở Âu-Mỹ đang phải xem lại mình để đổi mới chương trình, đáng để suy ngẫm cho chương trình tương ứng ở VN, và có thể của nền giáo dục VN.

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009

Thị trường chứng khoán: Rủi ro từ các siêu liên kết

Điều gì khiến một cổ phiếu có kết quả kinh doanh ổn định, lại tăng trần hàng chục phiên? Kết quả kinh doanh không nhiều ấn tượng, như phân tích của một công ty chứng khoán, không chỉ giúp thị giá doanh nghiệp này tăng nhanh mà còn có thể làm thay đổi kết quả kinh doanh của các công ty khác.
Sau 31 phiên tăng điểm, trong đó có 28 phiên tăng kịch trần kể từ ngày 7.9, thị giá cổ phiếu của công ty cổ phần Sông Đà 9.06 đã tăng gần tám lần. Mức giá cao nhất ngày 20.10 là 135 ngàn đồng mỗi cổ phiếu. Chuỗi tăng quá ấn tượng như vậy dù “kết quả kinh doanh không có nhiều ấn tượng” như nhận xét của nhóm phân tích công ty chứng khoán An Bình buộc công ty phải giải trình với sàn Hà Nội là do hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định cũng như sức hấp dẫn của việc phát hành thêm cổ phiếu bằng mệnh giá cho cổ đông để tăng vốn từ 25 tỉ đồng lên 100 tỉ đồng.
Giải mã cổ phiếu tăng nóng
Điều gì khiến các nhà đầu tư kỳ vọng đến mức bỏ tiền mua một công ty mà kết quả sản xuất kinh doanh, dù công ty giải thích là ổn định, chỉ mới đẹp lên trong quý ba. Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 2, đơn vị này đạt lợi nhuận sau thuế là 986 triệu đồng. Lũy kế lợi nhuận sau thuế nửa năm 2009 là 1,45 tỉ đồng trên tổng vốn điều lệ 25 tỉ đồng.
Nếu đọc báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 thì khó có thể đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định như giải trình của lãnh đạo Sông Đà 9.06. Doanh thu quý 3 đạt 3,241 tỉ đồng, chỉ bằng 25% doanh thu của quý trước. Tuy doanh thu giảm, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng chủ yếu do doanh thu tài chính mang lại. Trong quý 3, công ty trực thuộc tổng công ty Sông Đà này có doanh thu tài chính lên tới 4,112 tỉ đồng, tăng gấp tám lần con số tương ứng của quý 2. Nhờ vậy, tổng lợi nhuận sau thuế của ba quý đạt 5,537 tỉ đồng.
Theo thông tin do sở giao dịch chứng khoán Hà Nội công bố, Sông Đà 9.06 đăng ký bán 157 ngàn cổ phiếu của công ty Sông Đà 9, công ty mẹ của Sông Đà 9.06, trong khoảng thời gian từ 20.8 tới 30.8. Với mức giá thấp nhất trong giai đoạn này, thì đơn vị này cũng thu về hơn bốn tỉ đồng. Điều này có thể lý giải lợi nhuận đột biến của Sông Đà 9.06 là từ bán cổ phần của công ty Sông Đà 9.
Sông Đà 9.01 (mã S91), một công ty con của Sông Đà 9, cũng đăng ký bán hơn 250 ngàn cổ phiếu của công ty mẹ trong quý 4. Đáng chú ý, là tổng lợi nhuận sau thuế trong ba quý gần đây của công ty Sông Đà 9.01 là 1,6 tỉ đồng, trong đó có 1,4 tỉ đồng từ thu nhập bất thường, mà theo một kế toán có thâm niên, khoảng này có thể đến từ thanh lý tài sản. Việc bán cổ phiếu công ty mẹ thực hiện từ cuối tháng 9, nếu thành công, sẽ giúp công ty con có trụ sở ở Pleiku này có kết quả kinh doanh khả quan hơn trong quý 4. S91 cũng có chuỗi tăng giá ấn tượng bắt đầu từ ngày 8.9 kéo dài tới ngày 19.10, khiến thị giá cổ phiếu đã tăng 4,5 lần.
Sau khi các công ty con thu lợi nhuận từ bán cổ phiếu, Sông Đà 9 cho biết, họ sẽ bán cổ phiếu từ các công ty con kể trên trong thời gian tới. Theo phân tích của stockbiz, một website chuyên về chứng khoán, Sông Đà 9 đã lãi khoảng 40 tỉ đồng từ việc bán 500 ngàn cổ phiếu của S96.
Những siêu liên kết
Hiện tượng sở hữu chéo trong các tập đoàn như kiểu Sông Đà 9 và các công ty con Sông Đà 9.06 hay Sông Đà 9.01 không phải là hiếm. Trên sàn TP. Hồ Chí Minh, có mối tay ba giữa công ty đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), cơ khí Lữ Gia (LGC) và công ty cổ phần Năm Bảy Bảy (NBB). Theo công bố của CII, đến đầu tháng 6 năm nay, đơn vị này nắm giữ hơn 750 ngàn cổ phiếu của NBB và 2,9 triệu cổ phiếu của LGC. Thời điểm này đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) sở hữu 20.000cp của CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII).
Từ ngày 12.3, sau 15 phiên kể từ khi Năm Bảy Bảy lên sàn, CII đã thực hiện mua thêm 180 ngàn cổ phiếu của đơn vị này. Trong giai đoạn từ 3.4 tới 15.5, CII mua thêm 200 ngàn cổ phiếu và sau đó đăng ký bán ra 500 ngàn cổ phiếu của Năm Bảy Bảy. Các hoạt động mua bán như vậy giúp CII thu không ít lợi nhuận, bởi giá Năm Bảy Bảy vào ngày 12.3 chỉ có 22.500 đồng một cổ phiếu. Theo công bố của CII, hơn 700 ngàn cổ phiếu Năm Bảy Bảy mà họ đang nắm giữ, có giá vốn khoảng 30 ngàn đồng, trong lúc giá đóng cửa ngày 11.11 của công ty này là 73.500 đồng.
Không chỉ thu lợi trực tiếp, CII còn thu lợi gián tiếp qua vụ đầu tư của công ty con là công ty xây dựng cầu đường Bình Triệu cũng vào NBB. Trong bốn đợt mua vào kể từ tháng 8 tới đầu tháng 10, công ty có vốn điều lệ 300 tỉ đồng này đã nâng số cổ phiếu NBB mà mình nắm giữ lên hơn một triệu, để sau đó bán sạch. Do không có số liệu về 733 ngàn cổ phiếu NBB mà cầu đường Bình Triệu nắm giữ trước khi lên sàn, nên không rõ giá vốn để tính lợi nhuận. Chỉ riêng các khoảng mua bán sau ngày NBB lên sàn, phải công bố thông tin theo quy định, cầu đường Bình Triệu lời ít nhất là 3,5 tỉ đồng. Con số này dựa trên tính toán của người viết về giá trung bình mua vào và bán ra theo thông tin công bố.
Theo CII, đơn vị này sẽ bán các cổ phiếu đang nắm giữ trong ba năm tới. Khoản đầu tư này có thể làm cổ đông CII hài lòng nếu thị trường tiếp tục tăng điểm. Tuy nhiên về mặt quản trị rủi ro, khi thị trường cũng giảm, chỉ cần một mắt xích bị thua lỗ khiến cho thị giá giảm thấp hơn giá gốc mà các công ty trong chuỗi liên kết nắm giữ, các công ty này buộc phải trích lập dự phòng rủi ro giảm giá theo luật định. Trường hợp công ty đầu tư tài chính quá nhiều, các khoản trích lập dự phòng có khi còn lấy đi nguồn lợi nhuận mà họ vất vả lắm mới kiếm được. Thị trường đã chứng kiến cơ điện lạnh (REE) chịu lỗ trong năm 2008 dù hoạt động kinh doanh chính của họ vẫn có lời.
Do luật định của Việt Nam không cấm việc sở hữu chéo, nên việc hình thành các siêu liên kết như trên không vi phạm luật. Tuy nhiên, khi đồng vốn đi lòng vòng như vậy, thì một đồng lợi nhuận được tính thành nhiều đồng, bởi lợi nhuận của con, hay của đối tác, rồi cũng tính cho lợi nhuận của công ty mẹ và đối tác khác. Phép nhân ảo đó khiến cho các bản báo cáo kết quả kinh doanh hết sức hấp dẫn nhà đầu tư nhưng ẩn chứa không ít rủi ro.
Năm 2001, khi được hỏi về sự thất bại của các chaebol bốn năm trước, một học viên cao học của đại học Yonsei (Hàn Quốc) đã ví các tập đoàn như các soái hạm của Tào Tháo trên sông Xích Bích khi trả lòi: “Bình thường liên kết như vậy tạo thành một nguồn lực rất mạnh nhưng chỉ cần một chiếc bị đốt cháy, những chiếc khác khó an toàn”.

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2009

Vãn tuồng vàng

Vở tuồng giá vàng leo thang đã hạ màn chiều 11.11 sau khi thống đốc ngân hàng nhà nước chấp thuận cho các tổ chức trong nước được nhập khẩu vàng. Quyết định này được đưa ra sau cao trào giá vàng lên mức 29,2 triệu đồng mỗi lượng vàng SJC, có nơi lên tới 29,5 triệu đồng.
Sau khi nút thắt cấm nhập khẩu vàng được cởi bỏ, giá vàng lập tức hạ nhiệt vào cuối giờ chiều hôm kia, ở mức 27,8 triệu đồng mỗi lượng. Diễn biến sóng vàng hôm thứ tư vừa rồi khiến không ít người lỡ mua ở đỉnh sóng phải cắn răng bán lại, chịu lỗ hoặc tự an ủi rằng vàng sẽ lên giá vào một thời điểm nào đó chưa rõ. ‘
Bạn đồng hành với vàng trong tiến trình leo thang vừa qua, là giá USD trên thị trường tự do. Một ngày trước khi có cao trào vàng, người ta chỉ mất chưa tới 19 ngàn đồng để có một USD. Thì trong ngày 11.11, đầu ngày họ phải trả tới 19,2 ngàn đông và đỉnh điểm lúc 11 giờ trưa là 19,8 ngàn đồng.
Theo thống đốc Nguyễn Văn Giàu, bàn tay đầu cơ đã đẩy giá vàng thoát khỏi lực chi phối của quy luật cung cầu. Quyết định của người chịu trách nhiệm về chính sách tiền tệ được đưa ra trong bối cảnh chính sách này phải bảo đảm mục tiêu ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát, theo phân tích của tiến sĩ Trần Hoàng Ngân. Thành viên của hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ này cho rằng, mục đích chính của việc cho phép nhập khẩu vàng chủ yếu là ổn định tâm lý người dân thông qua khả năng bảo đảm nguồn cung vàng. “Lượng nhập khẩu vàng sẽ không nhiều do Việt Nam đã nhập khẩu khá nhiều vàng trong những năm qua” – ông Ngân nói. Theo ông Giàu, trong ba năm qua, Việt Nam đã nhập 233 tấn vàng nhưng mới tái xuất 38 tấn trong năm ngoái và đầu năm nay.
Số lượng vàng mà tổ chức và cá nhân trong nước nhiều khả năng vượt quá 200 tấn vàng mới nhập khẩu của ba năm gần đây. Theo giới phân tích, nếu không nắm giữ một lượng lớn nhất định, khó lòng có thể tạo cơn sốt giá. Trong năm tháng trở lại đây, có nhiều ý kiến đề nghị cho nhập khẩu vàng. Tuy việc xuất hay nhập vàng không ảnh hưởng tới tình trạng nhập siêu hay xuất siêu, nhưng việc cho nhập khẩu vàng, đồng nghĩa với việc nguồn cung USD trên hệ thống sẽ giảm. Đây cũng là mấu chốt khiến Việt Nam không cho nhập vàng từ tháng 5.2008. Cũng từ đây, giá vàng trong nước có cơ sở để tăng giá quá mức. Ở lúc đỉnh điểm, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới trên 3,6 triệu đồng.
Theo ước tính của ngân hàng thế giới công bố tháng 11.2009, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đủ cho ba tháng rưỡi nhập khẩu. Trong khi báo cáo của thủ tướng tại Quốc hội hồi tháng 10 là 12 tuần nhập khẩu. Số liệu của ngân hàng phát triển châu Á công bố hồi tháng 7 vừa qua, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam dưới 18 tỉ USD, giảm hơn 1/5 so với cuối năm trước. Theo số liệu xuất nhập khẩu 10 tháng, trung bình mỗi tuần, Việt Nam nhập siêu 743 triệu USD. Như vậy, về mặt lý thuyết, doanh nghiệp sẽ phải mua thêm 148 triệu USD mỗi ngày để thanh toán hợp đồng xuất khẩu. Và khoản thiếu hụt ngoại tệ này sẽ được lấy từ nguồn đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài, các khoản vay nước ngoài và kiều hối. Trong lúc kinh tế toàn cầu mới có dấu hiệu hồi phục, các nguồn cung ứng ngoại tệ kể trên nhiều khả năng sẽ sụt giảm đáng kể. Theo ông Giàu, kiều hối năm nay ở mức 6,2 tỉ USD, giảm hơn 10% so với năm trước.
Việc thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt như hiện nay, theo tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, tránh tình trạng lạm phát kép khi giá hàng hóa thế giới tăng trở lại và hạn chế nhập siêu, cũng như một phần trợ giúp doanh nghiệp xuất khẩu. Dù ngân hàng nhà nước đã nới biên độ tỉ giá lên 5%, cũng như cuối tuần trước điều chỉnh tỉ giá liên ngân hàng lên mức 17.010 đồng cho mỗi USD, thì thực tế, doanh nghiệp vẫn khó mua USD. Thị trường khó vận hành thông suốt nếu doanh nghiệp không tìm được nguồn mua USD trôi nổi, với giá cao hơn. Đây cũng là cơ sở để việc đầu cơ vàng vừa qua thành công. Tương ứng với giá vàng đầu ngày 11 ở mức trên 27 triệu đồng, tương đương với giá trị mỗi USD khoảng 20.144 đồng. Lúc này, giá USD trên thị trường là 19.100 đồng.
Theo ông Ngân, giá USD hợp lý sẽ xoay quanh mức 18.000 đồng. Mức điều chỉnh này có thể sát hơn với mong muốn của những người đang nắm giữ USD. Nhưng với người điều hành chính sách tiền tệ như ông Giàu, việc tiền đồng giảm giá khiến cho ngân sách nhà nước phải gánh thêm nợ. Tại cuộc hội thảo bàn về giải pháp chống khủng hoảng kinh tế tổ chức tại Đà Lạt trong tháng 9 vừa qua, ông Giàu phân tích rằng, nếu tiền đồng mất giá thêm 5%, thì ngân sách phải gánh thêm 26 ngàn tỉ đồng mỗi năm.
Một ngày sau khi vàng đạt đỉnh, thị trường vàng trở lại giao dịch bình thường, không còn cảnh chen nhau mua vàng. Ông Trang Quang Sanh, một chuyên gia ngân hàng lâu năm, cho rằng, phí tổn để giữ ổn định cho thị trường vàng có tác động tới thị trường ngoại tệ. Với người mua USD trong ngày 11.11, mức giá xấp xỉ 20 ngàn đồng cho mỗi USD xem ra quá cao. Nhưng với nhà đầu tư nước ngoài, ngưỡng này không phải là mới. Cuối tháng 10, họ đã phải mua bảo hiểm rủi ro tỉ giá qua hợp đồng kỳ hạn 12 tháng, với giá 19.500 đồng mỗi USD. Thị trường, dẫu sao, cũng vừa chứng kiến tuồng vàng đã vãn. Liệu có còn tuồng mới?

(Một bản ngắn hơn đăng ở Sài Gòn Tiếp Thị ra ngày 12.11.2009)